Loading: Audi xin lỗi vì so sánh phụ nữ như xe hơi đã qua sử dụng

Audi xin lỗi vì so sánh phụ nữ như xe hơi đã qua sử dụng

Tranh cãi nổ ra thậm chí có cả lời kêu gọi tẩy chay vì quảng cáo của Audi được cho so sánh phụ nữ như xe hơi qua sử dụng.

"Nhận thức từ video quảng cáo tác động đến nhiều người tại Trung Quốc hoàn toàn không phù hợp với giá trị vốn có của Audi", Washington Post dẫn lời Moritz Drechsel, phát ngôn viên của hãng xe Đức. "Chúng tôi vô cùng hối tiếc về điều này".

Lời xin lỗi của hãng xe Đức đưa ra chỉ sau vài ngày đoạn quảng cáo đề cập đến việc lấy vợ như mua xe cũ Audi gây tranh cãi rộng khắp trên mạng xã hội. Nhiều người Trung Quốc tỏ ra thất vọng về cách làm của thương hiệu bốn vòng tròn.

Trong đoạn quảng cáo của Audi do một tài khoản Weibo, trang mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc đăng tải, một người phụ nữ trung niên là mẹ của chú rể bất ngờ xuất hiện khi đôi nam, nữ đang cử hành hôn lễ.

Bà mẹ tiến lên lễ đài và bắt đầu kiểm tra tai, mũi, thậm chí vạch miệng cô dâu để xem xét. Đoạn chuyển cảnh đề cập đến việc mua xe cũ của thương hiệu Audi tại Trung Quốc kèm dòng chữ: "Quyết định quan trọng cần thực hiện một cách kỹ lưỡng".

Tranh cãi nổ ra khi nhiều người tại Trung Quốc cho rằng quảng cáo của Audi phân biệt giới tính, có ý so sánh phụ nữ với xe secondhand, tức xe đã qua sử dụng. "Tôi không phải là phụ nữ nhưng tôi căm phẫn về điều này", một tài khoản Weibo viết.

"Chúng tôi có một chiếc Volkswagen ở nhà, chồng tôi tính mua một chiếc Audi. Tôi phản đối điều đó. Rõ ràng là không nên mua bất kỳ chiếc Audi nào hết". Một phụ nữ khác nêu ý kiến gay gắt. "Họ làm ra những chiếc xe xấu, thu lợi nhuận khổng lồ tại Trung Quốc và bây giờ là quảng cáo thô tục như vậy. Xấu hổ thay, Audi".

Tuy nhiên cũng có nhận định trung lập hơn từ phía người dân nước sở tại. "Tôi cho rằng mọi người đang làm quá lên", Marla Yuan, một phụ nữ tại Bắc Kinh nói.

Audi đang dẫn đầu thị phần xe sang tại Trung Quốc, khách hàng nữ giới ngày càng được quan tâm.
Audi đang dẫn đầu thị phần xe sang tại Trung Quốc, khách hàng nữ giới ngày càng được quan tâm. Ảnh: WSJ.

Lời xin lỗi của Audi trong "tâm bão" có thể xem là bước đi hợp lý để làm dịu những căng thẳng không đáng có. Bởi tại Trung Quốc, một trong hai thị trường xe sang lớn nhất thế giới, Audi chứ không phải Mercedes hay BMW là thương hiệu dẫn đầu.

Trong 2016, Audi bán 591.554 xe, bám sát phía sau là BMW với 516.355 xe, trong khi Mercedes có 472.844 xe đến tay khách hàng, theo bestsellingcars. Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai sau châu Âu của Audi, đóng góp gần 1/3 doanh số của hãng này trên quy mô toàn cầu. Riêng quý đầu 2017, lượng xe tiêu thụ của Audi giảm đến 22,1 % tại Trung Quốc.

Thương hiệu thuộc tập đoàn Volkswagen đặt chân đến Trung Quốc khá sớm, nhưng chỉ bắt đầu sản xuất xe Audi tại thị trường đại lục vào 1995 khi liên doanh với hãng xe nội địa FAW (First Automobile Works), để tránh thuế nhập khẩu 25% vào nước này.

Audi hiện diện mạnh mẽ hơn tại đất nước đông dân nhất thế giới khi các quan chức chính phủ đặc biệt yêu thích mẫu A6 phiên bản trục cơ sở dài. Từ thương hiệu "ruột" của các chính trị gia, Audi dần len lỏi vào tầng lớp trung lưu mới nổi ngày càng nhiều tại Trung Quốc khi kinh tế tăng trưởng nhanh chóng.

Hai thập kỷ sau đó, Audi vẫn giữ thế thượng phong về doanh số tiêu thụ tại Trung Quốc. Đến 2013, kinh doanh của hãng xe Đức bắt đầu gặp sóng gió khi chủ tịch Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng, hàng loạt quan chức bị bắt, kéo theo nhiều đơn hàng bị hủy.

Thời kỳ hoàng kim những năm 1980, 70% số xe công phục vụ cho các quan chức Trung Quốc gắn logo Audi, theo Bloomberg. Bên cạnh tổn thất to lớn khi mất đi nhiều hậu thuẫn từ phía chính quyền, Audi gặp phải cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ, đặc biệt Mercedes và BMW. Hai hãng xe đồng hương đầu tư nhiều công sức và tiền bạc để khuếch trương danh tiếng tại Trung Quốc.

Xây dựng các phiên bản trục cơ sở dài, sản phẩm giới hạn dành riêng cho giới nhà giàu Trung Quốc, mở rộng mạng lưới phân phối là cách làm phổ biến hiện nay của các hãng xe để tranh giành lợi nhuận tại Trung Quốc, thị trường xe sang quan trọng không kém Mỹ.

Với tiếng tăm từ trước và chú trọng đến đối tượng khách hàng nữ, Audi vẫn đang thống trị phân khúc xe sang tại Trung Quốc, dù khoảng cách đang dần thu hẹp với các đối thủ. Với quảng cáo gây tranh cãi mới đây, Audi không thể xem thường sức mạnh truyền thông với sự "trợ giúp" của mạng xã hội có thể tạo nên hiệu ứng khó lường.

Audi cho biết đoạn quảng cáo trên xuất hiện lần đầu vào tháng 5/2017 và chỉ sản xuất cho thị trường Trung Quốc. Sau lời xin lỗi là quyết định gỡ bỏ video gây tranh cãi khỏi các chiến dịch truyền thông của hãng xe sang Đức.

>>> Audi tiết lộ kế hoạch phát triển các mẫu xe hiệu suất cao của dòng SUV

AutoExpress.vn - Theo VnExpress