Loading: Văn hóa đi ô tô chưa có ở nhiều người Việt?

Văn hóa đi ô tô chưa có ở nhiều người Việt?

Để có được văn hóa đi ôtô Việt Nam văn minh và lịch sự cần khoảng thời gian từ 20-30 năm, tương đương với 2 thế hệ.

Nền kinh tế Việt Nam tăng nhanh, kéo theo tình trạng phương tiện tham gia giao thông gia tăng chóng mặt tại các đô thị lớn. Nhưng phát triển hệ thống hạ tầng chưa theo kịp, từ đó dẫn đến tình hình giao thông càng trở lên nghiêm trọng hơn do hành vi ứng xử và văn hóa tham gia giao thông của người dân vẫn còn nhiều hạn chế.

Hôm 26/10, Hiệp hội Các nhà nhập khẩu ôtô chính hãng tại Việt Nam (VIVA) đã tổ chức buổi hội thảo bàn về Văn hóa đi xe ôtô. Tại đây, các chuyên gia trong lĩnh vực giải thích về nguồn gốc văn hóa đi ôtô của người Việt và những giải pháp để cải thiện tình hình.

Ôtô đi vào làn xe buýt BRT.
Ôtô đi vào làn xe buýt BRT. Ảnh: Tiến Tuấn.

Theo ông Nguyễn Đình Thành - chuyên gia về văn hóa, nguồn gốc văn hóa đi ôtô của người Việt còn yếu kém là hệ quả của nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là do tác động của lịch sử. Việt Nam là quốc gia bị tổn hại nhiều bởi chiến tranh. Đất nước thống nhất năm 1975, nhưng phải đến sau 1995 nền kinh tế mới cất cánh, thời điểm Mỹ bỏ cấm vận.

Trước đây, sở hữu ôtô vốn chỉ dành cho quan chức Nhà nước cấp cao. Cho đến sau 1995, người Việt được tiếp cận nhiều hơn với ôtô. Văn hóa đi ôtô manh nha xuất hiện. Nhưng hơn 20 năm hình thành là quá ngắn, văn hóa đi ôtô của người Việt chưa thể đạt tầm văn minh.

Tâm lý và bản năng sinh tồn thời chiến vẫn còn sót lại, nảy sinh hiện trạng "điền vào chỗ trống". Không khó bắt gặp những cảnh ôtô đi ngược chiều, sẵn sàng lấn làn, không theo hàng lối để giành từng mét đường.

Nền kinh tế đang đi lên, người có khả năng mua ôtô ngày càng nhiều, đẩy quy hoạch hạ tầng cơ sở vào tình thế không theo kịp. Vị chuyên gia còn nhấn mạnh bằng câu nói "số lượng ôtô đang tăng quá sức tưởng tượng với nhiều ban ngành".

Các đô thị lớn đang đối mặt với tình trạng quá tải. Cụ thể, năm 2016, Hà Nội còn 46 điểm ùn tắc, trong khi Hồ Chí Minh còn 18 điểm ùn tắc. Ngay cả Đà Nẵng, thành phố được quy hoạch bài bản đã bắt đầu có tắc đường, nhiều khả năng sẽ quá tải trong tương lai gần.

Ông Nguyễn Đình Thành nhìn nhận muốn người lái ôtô văn minh thì phải cho họ cơ hội, mà để có cơ hội, trước hết phải có môi trường văn minh. Định nghĩa 'môi trường' ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, bao hàm cơ sở hạ tầng, chế tài chặt chẽ, vv...

Ví dụ con đường huyết mạch Lê Văn Lương ở Hà Nội. Quá nhiều khu chung cư đang bủa vây dọc con đường. Tính trung bình mỗi khu chung cư có từ 500-1.000 căn hộ, tương đương với hàng nghìn người dân sống trong đó. Vào giờ cao điểm, tắc nghẽn là hệ quả nhãn tiền.

Ông Tây chặn một chiếc ôtô đi ngược chiều.
Ông Tây chặn một chiếc ôtô đi ngược chiều. Ảnh: K.A.

Việt Nam là một quốc gia, mà sự giao thoa giữa làng xã và thành thị rất mạnh mẽ. Người giàu lớn tuổi thường có xu hướng về quê sống. Còn người trẻ ở vùng nông thôn nghèo đổ lên thành phố lập nghiệp. Nảy sinh hiện tượng xung đột văn hóa.

Người ở vùng nông thôn quen với giao thông vắng vẻ, đường rộng, khó làm quen tức khắc với giao thông đô thị, nơi có những con đường chật chội. Lấy ví dụ, ở nông thôn, người dân có thể bất ngờ rẽ ngang rẽ dọc mà không gây hậu quả ngay lập tức. Nhưng với thành thị, những nét đặc trưng kiểu vậy có thể gây nghẽn mạch giao thông. Nếu là ôtô, hậu quả gây ra càng nghiêm trọng.

Để giải quyết hiện trạng này đòi hỏi một hệ thống đào tạo hiệu quả và hợp lý. Bởi ngay trong đào tạo vẫn còn tồn tại những hạt sạn cần cải thiện. Vấn nạn mua bằng lái xe hay sát hạch quá lỏng lẻo như hiện nay tác động không nhỏ tới ý thức của người lái ôtô, ông Trần Hữu Minh - Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - thừa nhận thực trạng.

Trong buổi hội thảo, có một ý kiến nêu ra rằng cơ quan có thẩm quyền cần siết chặt lại vấn đề đào tạo lái xe. Bên cạnh đó, cần sát hạch cả về văn hóa và đạo đức người đi ôtô. Vì đôi khi, chấp hành luật pháp chưa chắc đã đúng về đạo đức. Ví dụ như đi qua một con đường ngập nước, nếu đi đúng tốc độ quy định sẽ khiến hất nước vào người đi xe máy xung quanh. Hoặc ngay cả cách sử dụng còi sao cho đúng hoàn cảnh.

Những quan niệm cũ cũng gây cản trở tới quá trình giao thông Việt Nam trở lên văn minh hơn. Điển hình như "lỗi luôn thuộc về xe to". Nó khiến những người đi xe nhỏ tham gia giao thông một cách thiếu ý thức, với ý nghĩ trong đầu "mình làm sao thì ôtô chịu". Ông Nguyễn Đình Thành cho rằng, cần loại bỏ quan niệm này.

"Nhưng không vì thế mà người đi ôtô chủ quan, đi đúng nhưng luôn phải cẩn thận khi lưu thông cùng xe nhỏ", Phan Thị Ngọc Diễm - Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2008 - bày tỏ quan điểm. "Chẳng hạn như một chiếc SUV hay bán tải lớn. Người lái cần cẩn trọng hơn, luôn quan sát kỹ, bởi khi va chạm xảy ra, người đầu tiên thiệt là xe nhỏ, bất kể ai đúng ai sai".


Luật pháp Việt Nam hiện còn mềm mỏng, khiến nhiều tài xế ô tô coi thường. Vì thế cần một cơ chế siết chặt hơn. Làm sao để thứ người vi phạm mất không chỉ là tiền. Bên cạnh đó, một đề xuất khác là quy định một mức bảo hiểm cao hơn.

Ông Lê Quốc Vinh - chủ tịch Tập đoàn truyền thông Lê - nêu quan điểm, Việt Nam có thể tham khảo cách Mỹ áp dụng bảo hiểm lũy tiến. Người càng vi phạm nhiều, mức bảo hiểm mỗi năm càng cao, khiến tài xế ở Mỹ dè chừng. Tuy nhiên, để áp dụng ngay cần một hệ dữ liệu quốc gia khổng lồ để lưu trữ thông tin.

Ông Nguyễn Đình Thành nhận định, việc thay đổi nhận thức về văn hóa đi ôtô ở Việt Nam không thể giải quyết trong ngày một ngày hai, mà cần một lộ trình lâu dài và bài bản. Nhưng tiên quyết phải thực hiện từ ngay bây giờ. Để Việt Nam có văn hóa đi ôtô văn minh và lịch sự cần khoảng thời gian từ 20-30 năm, tương đương với 2 thế hệ. Phải gắn kết chặt chẽ giáo dục và đào tạo về giao thông ngay trong trường lớp của trẻ nhỏ.

Vấn đề nảy sinh ở đây, là cần có môi trường văn minh hay văn hóa đi ô tô của người Việt trước. Nó thuộc về vấn đề "con gà - quả trứng", cái nào có trước. Vị chuyên gia cho rằng, 2 thứ nên phát triển song hành cùng nhau. Trong bối cảnh cơ sở hạ tầng nâng cấp liên tục, các bộ luật đang cải thiện, người Việt nên văn minh hơn khi lái xe hàng ngày.

"Chỉ cần mỗi người kiềm chế, nó sẽ tạo ra hiệu ứng tốt, tạo thành thói quen của cả xã hội", ông Nguyễn Đình Thành nói. "Tôi tin tưởng Việt Nam sẽ có giao thông văn minh trong tương lai, có thể dẫn chứng bằng quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm với người đi môtô, xe máy năm 2007, và nó đã thành công".

>>> Văn hóa xấu của một số tài xế Việt khi tham gia giao thông trên cao tốc

AutoExpress.vn - Theo trithuctructuyen