Loading: Thêm đề xuất cho giải pháp phạt nguội xe ô tô vi phạm tại Việt Nam

Thêm đề xuất cho giải pháp phạt nguội xe ô tô vi phạm tại Việt Nam

Tôi cho rằng biện pháp phạt nguội hiện nay còn đơn sơ, thiếu tích cực và bất cập. Nên thông qua công an quận, huyện để làm việc này.

Việc phạt nguội đối với các chủ ôtô, khi họ trực tiếp lái, hoặc họ phải “dẫn độ” người lái (xe của họ) đã vi phạm Luật giao thông đường bộ (GTĐB) đến cơ quan Cảnh sát giao thông (CSGT), làm thủ tục nộp tiền phạt nguội, là biện pháp tiên tiến, hiện đại, hội nhập với các nước văn minh.

Quy trình phạt hiện nay là hệ thống camera ghi biển kiểm soát (BKS) các xe ôtô vi phạm Luật GTĐB; lực lượng CSGT tra vi tính phần mềm của giấy đăng ký xe, xác định chủ xe và địa chỉ, rồi gửi thông báo cho họ đến cơ quan chức năng làm thủ tục nộp tiền phạt nguội. Sau một tháng, nếu chủ xe không nộp tiền phạt-lập tức bị CSGT gửi danh sách sang cơ quan Đăng kiểm, đề nghị từ chối khám xe.

Như vậy, đã xảy ra rất nhiều trường hợp chủ xe khi đăng ký ôtô, họ có hộ khẩu ở địa chỉ A; nhưng tới khi tài xế ôtô vi phạm, chủ xe lại chuyển hộ khẩu đến địa chỉ B. Thế nên sau một tháng, hay sau ba tháng chăng nữa, họ cũng không thể nhận được giấy báo nộp phạt nguội. Và theo hạn định kỳ đi khám xe sẽ bất ngờ bị cơ quan Đăng kiểm không khám (theo đề nghị của CSGT và Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT, của Bộ Giao thông vận tải).

Để khắc phục tình trạng “khóc dở, mếu dở” nêu trên, mặc dù cơ quan Đăng kiểm và CSGT Đà Nẵng đã mở trang web cho các chủ xe xem có bị phạt nguội hay không-trước khi đăng kiểm, song, vẫn là phiến diện, chưa phải thượng sách. Bởi vì, không phải chủ xe nào cũng biết mở trang web mà tra cứu.

Thêm đề xuất cho giải pháp phạt nguội xe ô tô vi phạm tại Việt Nam

Trong khi đó, ngoài việc gửi thông báo trực tiếp cho các chủ xe vi phạm, sao CSGT không phối hợp “ngành dọc” với Công an quận, huyện; đồng gửi thông báo danh sách các chủ xe kèm theo địa chỉ để được giúp đỡ, đối chiếu địa chỉ hộ khẩu các chủ xe vẫn thuộc địa bàn, hay đã chuyển đi địa bàn khác. Trên cơ sở đó, Công an quận, huyện sẽ chuyển tiếp thông báo đến địa chỉ mới cho các chủ xe.

Trường hợp chủ ôtô đã bán xe cho chủ khác, mà không gửi giấy bán đến cơ quan CSGT và chủ khác vẫn chưa làm thủ tục sang tên; khi chủ cũ nhận được thông báo phạt nguội, thì dĩ nhiên chủ cũ phải biết địa chỉ chủ mới rồi tự khắc sẽ phải chuyển tiếp.

Ngoài ra, biện pháp phạt nguội vẫn phải song song với biện pháp “phạt nóng”, bằng cách thông báo trong toàn lực lượng CSGT Việt Nam, nắm được tất cả biển kiểm soát “những xe vi phạm chưa nộp tiền phạt nguội”, phát hiện, bắt gặp và xử lý khi những xe này lưu hành. Trường hợp chủ xe đã chuyển đi khỏi địa chỉ cũ mà chưa làm thủ tục hộ khẩu ở địa chỉ mới, hoặc gắn biển giả vào… cũng sẽ bị phát hiện và xử lý.

Đặc biệt, giấy chứng nhận đăng ký xe, cần bổ sung thêm số CMND, hoặc số thể căn cước đối với các chủ xe cá nhân từ đó CSGT sẽ phối hợp, gửi thông báo tới các chủ xe bị “phạt nguội” đến hệ thống các ngân hàng liên thông có thể tra ra số tài khoản chủ xe (nếu có). Các ngân hàng sẽ khấu trừ tiền phạt nộp kho bạc Nhà nước.

Các chủ xe sẽ phải tự khấu trừ tiền của người lái xe vi phạm (trường hợp chủ xe không trực tiếp lái xe). Và đương nhiên bên Ngân hàng cũng cần được trích lại % số tiền phạt. Đối với các chủ xe là cơ quan, doanh nghiệp, cần bổ sung thêm số tài khoản trong đăng ký. CSGT cũng phối hợp với Ngân hàng tương tự như trên, sẽ góp phần cho biện pháp phạt nguội của họ ngày càng văn minh, hiện đại.

Đồng thời, chưa có Luật hay Nghị định nào quy định việc từ chối khám xe nêu trên. Do đó CSGT nên phối hợp với cơ quan Đăng kiểm, không ruồng bỏ khám xe chưa nộp tiền phạt nguội, mà chỉ trở thành một kênh thông báo các chủ xe bị phạt nguội - sau khi họ được khám xe xong.

>>> Ô tô giá 350 triệu bị “phạt nguội”... 148 triệu đồng!

Theo Độc giả Nguyễn Thành Lập/VnExpress