Loading: Phân biệt vạch kẻ đường màu trắng và màu vàng

Phân biệt vạch kẻ đường màu trắng và màu vàng

Thời gian gần đây, nhiều tuyến đường của địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đã và đang đổi màu sơn của vạch kẻ đường từ màu trắng sang màu vàng theo Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc Gia về báo hiệu đường bộ.

Theo đó, vạch kẻ đường chỉ thay đổi màu sắc, các mức xử phạt liên quan đến hành vi vi phạm giao thông vẫn không thay đổi.

Vạch kẻ đường màu vàng và màu trắng
Vạch kẻ đường màu vàng và màu trắng - Ảnh: Quy chuẩn Việt Nam số 41:2016/BGTVT.

Quy chuẩn Việt Nam số 41:2016/BGTVT về báo hiệu đường bộ có hiệu lực ngày 1-11-2016, vạch kẻ đường màu vàng không dùng riêng cho đường quy định tốc độ từ 60 km/h trở lên mà được dùng để phân chia 2 chiều xe lưu thông ngược chiều. Hiện nay, nhiều địa phương, thành phố đang đồng loạt thay đổi vạch kẻ đường từ màu trắng sang màu vàng theo Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc Gia về báo hiệu đường bộ.
Vạch kẻ đường có ý nghĩa là dạng báo hiệu hướng dẫn nhằm nâng cao tính an toàn và khả năng lưu thông của phương tiện. Đối với vạch kẻ đường độc lập, người điều khiển phương tiện phải tuân thủ ý nghĩa của vạch kẻ.
Vạch kẻ đường có thể sử dụng riêng hoặc phối hợp với các biển báo hiệu đường bộ hoặc đèn tín hiệu giao thông theo thứ tự: hiệu lệnh người điều khiển giao thông – hiệu lệnh đèn tín hiệu – hiệu lệnh biển báo – hiệu lệnh vạch kẻ đường và các dấu hiệu hướng dẫn trên mặt đường.
Trưởng phòng CSGT ĐB-ĐS (CATP.HCM) – Trung tá Huỳnh Trung Phong cho biết, từ ngày 1-11-2016, Bộ GTVT đã ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ; tại Chương 10 và Phụ lục G có quy định về vạch kẻ đường như sau:

Vạch màu vàng nét đứt.

- Vạch màu vàng nét đứt: phân chia hai làn xe chạy ngược chiều nhau ở các đoạn đường có 2 làn xe trở lên và không có dải phân cách ở giữa; các phương tiện được phép cắt qua sử dụng làn ngược chiều cả hai phía.

Vạch đơn màu vàng nét liền.

- Vạch đơn màu vàng nét liền: phân chia hai chiều xe chạy đối với đường có 2 hoặc 3 làn xe, không có dải phân cách giữa. Các phương tiện không được đè lên vạch hoặc lấn làn. Đối với vạch đơn màu vàng nét liền, được sử dụng trong đoạn đường không đảm bảo tầm nhìn vượt xe, có nguy cơ tai nạn đối đầu.
Đồng thời, đối với 4 làn xe trở lên, thì sẽ sử dụng vạch đôi màu vàng nét liền.

Vạch màu vàng song song ở giữa nhưng có một bên nét liền

- Vạch màu vàng song song ở giữa nhưng có một bên nét liền, một bên nét đứt: được dùng để bố trí trên đường hai chiều nhưng có 3 làn xe và một bên cho phép vượt (bên vạch nét đứt) và bên còn lại (vạch liền) cấm vượt xe.
Ngoài ra, còn có các vạch kẻ đường màu vàng khác phụ trợ cho vạch này đối với những đoạn đường có tầm nhìn hạn chế hoặc đường cong.

Vạch màu vàng nét đứt trên vỉa hè sát mặt đường hoặc trên mặt đường.

- Vạch màu vàng nét đứt trên vỉa hè sát mặt đường hoặc trên mặt đường: sử dụng báo hiệu cấm dừng xe trên đường và những vạch kẻ nét liền tại các vị trí trên cũng báo hiệu cấm dừng, đổ xe trên đường.

Vạch màu trắng nét đứt.

- Vạch màu trắng nét đứt: phân chai các làn xe cùng chiều và các xe được phép chuyển làn đường qua vạch.

Vạch màu trắng nét liền.

- Vạch màu trắng nét liền: các phương tiện không được sử dụng làn khác hoặc chuyển làn. Đồng thời, xe không được đè lên vạch và lấn làn.
Ngoài ra, vạch kẻ nét đứt các phương tiện có thể lấn qua không quá 50m khi vượt chướng ngại vật. Đối với các lỗi hành vi vi phạm giao thông liên quan đến vạch kẻ đường, mức xử phạt sẽ không thay đổi.

>>> Lương tâm người tài xế và câu chuyện ấm lòng trên cao tốc

AutoExpress.vn - Theo Công an TP.HCM