Loading: Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hết thời "ăn xổi"

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hết thời "ăn xổi"

Với bảo vệ người tiêu dùng, Nghị định 116 của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành bảo dưỡng ô tô còn được kỳ vọng sẽ góp phần vào việc thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước.

Ngăn chặn làn sóng nhập khẩu xe trôi nổi

Trước khi Nghị định 116 ra đời, nhiều doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe ô tô trong nước nhấp nhổm lên phương án cắt giảm sản lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước để chuyển qua nhập khẩu xe nguyên chiếc. Lý do bởi từ 2018, thuế suất thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc từ ASEAN giảm về 0%. Điều này đã và đang đe dọa làm phá sản chiến lược phát triển ngành ô tô trong nước.

Đơn cử, từ năm 2017, Toyota Fortuner và Honda Civic, hai dòng xe thuộc hàng bán chạy nhất của hai liên doanh ô tô Nhật Bản đã chuyển sang nhập khẩu thay vì lắp ráp tại Việt Nam. Toyota thậm chí còn úp mở sẽ ngưng hoàn toàn việc sản xuất lắp ráp trong nước để chuyển qua nhập khẩu xe nguyên chiếc.

Trong lúc các nhà sản xuất lắp ráp đang còn lo lắng về vấn đề thuế suất nhập khẩu, thì Thông tư 20 hết hiệu lực. Một cuộc tranh luận gay gắt về việc có nên quy định các điều kiện đối với xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc hay không, trước khi Chính phủ ban hành Nghị định 116.

Đây là một áp lực lớn với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Nếu mở cửa hoàn toàn đối với vấn đề nhập khẩu xe, đồng nghĩa với việc làn sóng xe trôi nổi tràn ngập nội địa. Điều này một mặt gây ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng, mặt khác sẽ có thể làm điêu đứng các nhà sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.

Nghị định 116 ra đời với các quy định về điều kiện nhập khẩu ô tô có tác dụng ngăn chặn các loại ô tô trôi nổi kém chất lượng trên thế giới tràn vào Việt Nam. Từ đây giúp cho các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước giảm bớt một phần áp lực cạnh tranh bất hợp lý, góp phần hoàn thành “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam”.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã hết thời "ăn xổi".
Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã hết thời "ăn xổi".

Vẫn còn ý kiến không đồng tình, vì sao?

Sau khi ra đời, dù nhận được sự ủng hộ cao của người tiêu dùng, nhưng Nghị định 116 cũng vấp phải một số ý kiến phản đối, với lập luận cho rằng Nghị định làm khó các nhà nhập khẩu xe ô tô. Trong số đó, có ý kiến của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA).

Trong quy định về điều kiện nhập khẩu, Nghị định 116 yêu cầu xe chưa qua sử dụng phải có bản sao Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài. Ý kiến từ VAMA không đồng tình quy định này và cho rằng đó là sự bất hợp lý, vì nhiều nước không cấp văn bản này cho những chiếc xe xuất xưởng.

Tuy nhiên, trở lại phần quy định này trong Nghị định 116 áp dụng đối với xe sản xuất lắp ráp trong nước. Mỗi kiểu loại ô tô xe sản xuất lắp ráp trong nước phải thực hiện các bước: Thiết kế, thử nghiệm mẫu, thử nghiệm và chứng nhận chất lượng linh kiện (trừ trường hợp linh kiện đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài chứng nhận), thử nghiệm khí thải, đánh giá điều kiện xuất xưởng (COP). Các nội dung trên phải được Cục Đăng kiểm Việt Nam đánh giá, thử nghiệm xác nhận hàng năm (trừ thiết kế). Mỗi chiếc ô tô trước khi xuất xưởng phải được kiểm tra sự phù hợp các linh kiện so với sản phẩm mẫu, kiểm tra từng ô tô trên dây chuyền thiết bị. Nếu mỗi ô tô đó không có chứng nhận an toàn về linh kiện thì sẽ không được cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu xuất xưởng.
Như vậy quy định đối với xe sản xuất lắp ráp trong nước hết sức chặt chẽ và hợp lý. Vậy thì xe nhập từ nước ngoài cũng phải tuân thủ những điều kiện như vậy mới tương xứng.

VAMA cho rằng nhiều nơi trên thế giới, nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chất lượng sản phẩm như ở Việt Nam, nên khó có thể có các văn bản như quy định trong Nghị định 116.

Mặc dù, có thể có những nước như vậy, ví dụ như Hoa kỳ, nhưng điều đó không có nghĩa là họ thả nổi hoàn toàn vấn đề chất lượng cho doanh nghiệp, mà họ thực hiện điều đó thông qua các tổ chức chuyên ngành được nhà nước ủy nhiệm. Tại Hoa Kỳ, các hiệp hội chuyên ngành đều có những bộ tiêu chuẩn được giám sát bởi nhà nước, và các đơn vị thành viên phải tuân theo khi sản xuất. Và các hiệp hội này sẽ có các chứng nhận cho đơn vị thành viên của mình.

Như vậy khi nhập khẩu, các doanh nghiệp có thể yêu cầu các nhà sản xuất cung cấp các văn bản này để Việt Nam xem xét, vì nghị định không nói rõ là văn bản của cơ quan nhà nước, mà chỉ nói là của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Ngoài ý kiến về vấn đề này, VAMA còn than phiền về quy định độ dài của đường thử xe. Tuy nhiên, đây cũng là một than phiền không có cơ sở. Bởi đã chấp nhận kinh doanh lĩnh vực này thì phải chấp nhận sự tốn kém trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sao cho đáp ứng đầy đủ yêu cầu kỹ thuật.

Dù có một vài ý kiến chưa đồng tình, nhưng Nghị định 116 của Chính phủ đã thể hiện được những quy định hết sức chặt chẽ và hợp lý, góp phần bảo vệ người tiêu dùng và tạo tiền đề thúc đẩy ngành ô tô Việt Nam phát triển.

>>> Cú sốc ngành ô tô: Hãng thép Nhật khai gian, hàng loạt ông lớn "điêu đứng"

AutoExpress.vn - Theo Nguoiduatin