Loading: Lái mới cần lưu ý những gì?

Lái mới cần lưu ý những gì?

Đường trong phố không tránh khỏi những lúc ùn ứ, các phương tiện lưu thông phức hợp, nên rất dễ cọ quệt. Vì vậy bạn phải tập nhìn và ước lượng.

Điều khiển ô tô ra đường thực tế luôn là thử thách đầy khó khăn với hầu hết các tài xế mới. Chính vì vậy, việc nắm bắt tốt kiến thức cũng như kỹ năng được truyền từ các “tài già” sẽ phần nào giúp bạn hạn chế được những tình huống rủi ro. Thói quen lái xe là điều cực kỳ quan trọng, nếu bạn hình thành những thao tác đúng, ngay từ những ngày đầu cầm vô lăng thì sẽ hạn chế được phần lớn những nguy hiểm có thể xảy ra.

Bất kỳ ai khi mới tập lái xe cũng có những bỡ ngỡ, va vấp trước khi trở thành một tài xế chắc tay. Sau đây là những lưu ý để đảm bảo an toàn cho lái xe và người khác khi lưu thông trên đường:

1. Đi xe nhỏ

- Khi mới lái xe, bạn cần tránh sử dụng những chiếc xe động cơ dung tích lớn, công suất cao, những chiếc xe sang trọng, đắt tiền. Những chiếc xe này có sức mạnh lớn, khả năng tăng tốc nhanh, dễ tạo nên cảm giác tự tin thái quá cho bạn. Sự tự tin sẽ khiến bạn chạy xe với tốc độ cao, tăng tốc nhanh, trong khi kĩ năng của bạn chưa đủ để xử lý, và dễ dàng gây ra tai nạn.

Tài xế mới nên đi xe ô tô loại nhỏ

- Mỗi sơ xuất trên những chiếc xe có động cơ dung tích lớn sẽ dẫn tới tai nạn nghiêm trọng hơn rất nhiều so với những chiếc xe nhỏ. Vì vậy, khi mới tập lái, hãy chọn những chiếc xe nhỏ gọn, động cơ dung tích từ 1.0 đến 1.4 lít, dễ dàng sửa chữa với chi phí rẻ.

2. Phải nắm vững luật giao thông

- Tuy nhiên nên chú trọng vào một số nguyên tắc nhường đường. Vì mới lái phải biết nhường đường, không thể bon chen như những tay lái cứng được.

- Xe từ đường nhánh, đường không ưu tiên phải nhường cho xe đang đi trên đường ưu tiên từ mọi hướng tới. Xe lưu thông trên đường cùng cấp phải nhường cho xe đi từ hướng bên phải. Xe ngoài vòng xuyến phải nhường cho xe đã vào trong vòng xuyến trước. Xe rẽ, quay đầu phải nhường cho xe đi thẳng. Xe xuống dốc phải nhường cho xe lên dốc...

Lái xe phải nắm vững luật và các biển báo giao thông

- Phải thuộc biển báo. Tập thói quen trước khi vào ngã ba, ngã tư đọc biển báo. Thông thường biển báo được đặt trước ngã ba, ngã tư, nhưng tác dụng của biển ở sau ngã ba ngã tư. Nếu lưu thông ở Hà Nội thì không nên bám theo xe buýt vì: Thứ nhất xe buýt to, cồng kềnh dễ làm khuất tầm nhìn, không xem được biển báo. Thứ hai, có một số tuyến đường ưu tiên xe buýt hoạt động, cấm ôtô, nếu bạn đi theo là bị phạt.

3. Mua bảo hiểm

Dù mới tập lái hay lái xe có kinh nghiệm, bạn cũng nên mua bảo hiểm cho chiếc xe của mình. Đặc biệt là với người mới lái xe, việc va đụng là khó tránh khỏi dù bạn có cẩn thận tới đâu, vì vậy hãy tìm hiểu và mua bảo hiểm để tiết kiệm chi phí sửa chữa.

4. Làm quen với thao tác trên xe

- Lên bất kỳ chiếc xe nào, bạn cũng cần làm quen với các vị trí trên xe. Thực hành thao tác côn, ga, phanh, cần số, phanh tay … khi xe chưa chạy, nhằm nhớ vị trí để thao tác chính xác khi lái xe.
Chỉnh ghế lái, chỉnh vô lăng, chỉnh gương chiếu hậu sao cho bạn có tư thế ngồi lái, tư thế đặt tay vô lăng và góc quan sát tốt nhất qua gương chiếu hậu.

Lái mới phải làm quen với thao tác trên xe trước khi khởi hành

- Nhớ cài dây an toàn trước khi khởi động xe. Nếu bạn không cài dây an toàn thì túi khí không những không cứu mạng bạn trong những tình huống tai nạn mà còn gây nguy hiểm hơn.

5. Canh xe

- Đường trong phố không tránh khỏi những lúc ùn ứ, các phương tiện lưu thông phức hợp, nên rất dễ cọ quệt. Vì vậy bạn phải tập nhìn và ước lượng. 

- Canh với xe máy thì nên xếp mấy loại quanh ôtô của mình, ngồi trên ghế lái mà nhìn và nhớ các vị trí an toàn. Sau đó tập vài lần cho nhớ. Canh với ôtô thì tiến hoặc lùi thật sát vào mấy loại ôtô (nhờ người trợ giúp xi-nhan), ngồi trên ghế lái quan sát và nhớ những vị trí an toàn. Sau đó tập vài lần cho nhớ.

6. Lùi và quay đầu xe

- Đường trong phố hẹp, đông, nhiều loại phương tiện cùng tham gia giao thông. Đúng luật phải quay đầu ở ngã 3, ngã 4, nơi có đường giao cắt hoặc những chỗ cho phép quay đầu. Nhưng chạy trong phố không phải lúc nào cũng theo luật được. Quay đầu sao cho ít ảnh hưởng đến các phương tiện khác, không gây cọ quệt, tai nạn... cũng là vấn đề nan giải với những lái mới. Bạn cũng phải tập lùi nữa, nhất là ghép ngang, thực tế hay gặp phải.

- Đỗ xe theo kiểu ghép ngang hay lùi chuồng đều cần thiết có một kỹ năng lái xe khéo léo. Khoảng cách tiêu chuẩn để đỗ xe ghép ngang không bao giờ đủ ở Việt Nam, vì vậy bạn cần lùi xe khéo léo hơn, cẩn thận hơn.

- Bình tĩnh thực hiện việc đỗ xe của mình, quan sát gương chiếu hậu, nhưng đừng quá tự tin. Tự tin khi lái xe trong khi bạn chưa có kỹ năng tốt đồng nghĩa với việc gây va chạm. Nếu thấy khó, hãy yêu cầu sự trợ giúp, nhờ người xi-nhan.

Cần quan sát gương chiếu hậu cẩn thận

7. Quan sát gương

- Khi mới lái xe, chúng ta thường xuyên quá chú ý tới phía trước mà quên không quan sát gương chiếu hậu. Hãy tập thói quen nhìn gương để quan sát 2 bên đường và phía sau xe. Điều này sẽ giúp bạn tránh được những tình huống mà người mới lái hay gặp phải như tạt đầu xe khác, cọ thành xe vào ven đường khi đi quá sát, chèn vạch.

- Điều quan trọng nhất là lùi xe, đừng quay đầu lại hay thò đầu ra ngoài cửa sổ để lùi, mà hãy thực hành thật quen kỹ năng nhìn gương và lùi.

8. Lên cầu rửa xe

Vừa đề pa, vừa căn vệt bánh xe, không thì rất dễ sa hố. Đây cũng là huống khó đối với lái mới. Tất nhiên khó quá thì nhờ thợ rửa xe có kinh nghiệm đưa xe lên.

9. Giữ khoảng cách

Giữ khoảng cách là điều khó nhất cho người lái xe, đặc biệt là khi di chuyển trong các thành phố đông đúc như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh.

Ô tô không bao giờ đỗ với khoảng cách bạn đọc trong sách, xe máy thì liên tục chen ngang vào đầu xe bạn, hai bên sườn xe sẽ toàn là xe máy với khoảng cách chỉ 5-10 cm, nếu vào giờ cao điểm.

Lái mới cần giữ khoảng cách giữa các xe

Tất cả các tài xế dù non hay già đều gặp phải tình huống này, nhưng các bác “tài già” thừa kinh nghiệm để đọc khoảng cách thế nào là đủ để không va chạm.

Hãy tập luyện cách đọc khoảng cách này. Tất nhiên đừng tập luyện khi tắc đường bởi có lẽ bạn sẽ phải đền ốm trước khi có thể cảm nhận được cảm giác về khoảng cách.

Tìm một đoạn đường vắng xe qua lại, nhờ một người xi-nhan cho mình, bạn hãy tập tiến dần tới một chiếc xe máy, ô tô và dừng lại trước khi va chạm. Hãy cảm nhận và đo đạc khoảng cách an toàn giữa đầu xe mình và các xe phía trước. Nên nhớ, mỗi chiếc xe đều có phần đầu xe dài ngắn khác nhau, nên việc cảm nhận khoảng cách phía trước là rất cần thiết mỗi khi đi một chiếc xe lạ.

Kinh nghiệm đi xe trời mưa với tài xế mới

10. Đi xe dưới trời mưa

Khi gặp tình trạng hơi nước đọng trên kính lái, bạn hãy hạ cửa kính, khi đó việc lưu thông giữa luồng không khí bên trong và ngoài xe sẽ giúp nước bay hơi hết. Trường hợp không khí bên ngoài bẩn hoặc đang mưa, chuyển sang chế độ lấy gió ngoài để hệ thống máy lạnh cân bằng độ ẩm không khí trong xe. Bên cạnh đó, không để nhiệt độ quá lạnh và bật chế độ sưởi kính cũng góp phần ngăn cản tình trạng đọng hơi nước. 

>>> Cài số lùi hoặc P khi ô tô đang chạy, chuyện gì sẽ xảy ra?

Theo DNVN