Loading: Đừng vội vàng mua trả góp dù giá ô tô đang rất rẻ

Đừng vội vàng mua trả góp dù giá ô tô đang rất rẻ

Dịp cuối năm, nhu cầu mua sắm xe tăng cao, đồng thời giá nhiều dòng xe ô tô đang giảm. Nắm bắt cơ hội này, các ngân hàng đã đưa ra nhiều gói cho vay ưu đãi.

Lãi suất chỉ từ 6%

Ngân hàng BIDV vừa triển khai gói tín dụng 2.000 tỷ đồng cho vay mua ô tô mới trên toàn hệ thống. Theo đó, khách hàng sẽ hưởng lãi suất ưu đãi từ 7,1%/năm trong 6 tháng đầu hoặc từ 7,6%/năm trong 12 tháng đầu tiên khi bắt đầu giải ngân. SHB cũng dành 1.000 tỷ đồng để cho các DN ô tô vay với lãi suất ưu đãi từ 7,49%/năm... Ngân hàng Quân đội (MB) cho biết, đã giải ngân cho rất nhiều khách hàng đến vay vốn mua ô tô với phương thức linh hoạt, lãi suất cố định 8,5% trong năm đầu tiên. Hàng loạt ngân hàng khác như Seabank, VP bank, VIB đều triển khai cho vay loại hình này.

Khách hàng tham khảo xe ô tô tại một cửa hàng trên phố Trần Quang Khải.
Khách hàng tham khảo xe ô tô tại một cửa hàng trên phố Trần Quang Khải. Ảnh: Tuấn Anh

Để vay mua ô tô trả góp, người mua cần có thu nhập ổn định 10 - 20 triệu đồng/tháng trở lên. Khách hàng có thể dùng chính chiếc xe đã mua làm tài sản đảm bảo. Đa số các ngân hàng chấp nhận mức cho vay bằng 70 - 80% giá trị xe, có một số ngân hàng như Maritime bank, SHB cho vay tới 90% giá trị. Với hình thức trả góp, người mua xe chỉ cần trả trước từ 10 - 30% giá trị chiếc xe, phần còn lại ngân hàng cho vay và trả dần trong nhiều năm.

Các gói lãi suất cho vay mua ô tô trả góp tại các ngân hàng thương mại hiện nay có sự chênh lệch khá lớn đi kèm các chính sách ưu đãi khác biệt. Trong đó, lãi suất thấp nhất là VietABank chỉ từ 6%/năm, Techcombank từ 6,5%, TP Bank 6,8%, MB Bank 7%, SHB, BIDV, VietinBank, ACB là 7,5%...

Tính toán khả năng chi trả

Theo lý giải của các chuyên gia ngành tài chính – ngân hàng, sở dĩ thời điểm này các ngân hàng đẩy mạnh phân khúc cho vay tiêu dùng, đặc biệt là vay mua xe, vì đây là hình thức cho vay đã có tài sản đảm bảo, giá trị xe rõ ràng, giúp các ngân hàng mở rộng thị phần, phát triển kênh tín dụng tiêu dùng. Phương thức này mang lại lợi ích cho cả ba bên. Các đại lý ô tô thì bán được hàng, ngân hàng cho vay được tiền và hưởng lãi suất, còn người tiêu dùng thì giải quyết được nhu cầu của mình.

Dẫu vậy, khi vay tiền mua ô tô, khách hàng cần tìm hiểu kỹ các mức ưu đãi về lãi suất để cân đối với nguồn tài chính của mình. Theo kinh nghiệm của những người từng mua xe, khách hàng cần phải tìm hiểu kỹ tất cả các điều khoản liên quan đến khoản vay trước khi ký vào giấy tờ. Chẳng hạn, phải tính luôn cả số tiền mình sẵn sàng nộp phạt khi trả muộn và phí trả nợ trước hạn cũng có công thức tính toán riêng. Thông thường, các ngân hàng thông báo lãi suất ưu đãi 7 - 8%/năm chỉ là lãi suất đặc biệt áp dụng trong một vài tháng đầu, sau đó ở các kì tiếp theo lãi đều được thả nổi theo thị trường (một số ngân hàng cộng với biên độ lãi suất từ 2,8 - 4,5%).

Nhân viên kinh doanh của một đại lý Toyota Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, dù lãi suất, giá trị cho vay tối đa và thời hạn vay các ngân hàng công bố rất hấp dẫn, song trên thực tế ngân hàng chia nhóm khách hàng, nhóm xe, từ đó áp dụng lãi suất, thời gian cho vay khác nhau. Ví dụ, khách hàng có thu nhập 20 triệu đồng/tháng, phía ngân hàng sẽ cho vay với khả năng chi trả tối đa là 10 triệu đồng/tháng. Ngân hàng sẽ phải trừ đi các chi phí sinh hoạt của gia đình, tiền học cho con cái… trong tháng đó để đảm bảo khách hàng có khả năng trả nợ. “Khi muốn vay vốn, ngoài thu nhập ổn định để trả nợ, khách hàng cần chuẩn bị tài chính tốt, khoản tiền 20 - 50% giá trị của chiếc xe trước khi ký hợp đồng để tránh phát sinh rủi ro về sau. Thực tế, có khá nhiều khách hàng do không trả được nợ nên ngân hàng buộc phải tịch thu tài sản thế chấp” - nhân viên này cho biết.

>>> Có nên mua xe ô tô tại thời điểm này?

AutoExpress.vn - Theo Kinhtedothi