Loading: Đổ nhầm nhiên liệu, xử trí thế nào?

Đổ nhầm nhiên liệu, xử trí thế nào?

Vì một số lý do mà việc đổ nhầm dầu vào xăng vào xe chạy dầu hay ngược lại đã xảy ra. Vậy xử trí thế nào khi việc đã rồi?

Ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của các dòng xe sử dụng dầu Diesel thì việc bơm nhầm nhiên liệu giữa xăng và dầu không phải là hiếm gặp. Việc bơm nhầm nhiên liệu giữa xăng và dầu xảy ra có thể do tính chủ quan, thiếu tập trung hoặc thiếu hiểu biết. Hậu quả từ sự bất cẩn đó nặng hay nhẹ tùy thuộc cách xử lý và kiến thức của người lái xe.  Bài viết sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn điều này và cách xử lý khi xảy ra sự cố.

Cụ thể hơn, khi số lượng xe sử dụng động cơ diesel đang ngày càng tăng nhanh, việc sơ ý khi tiếp nhiên liệu cho xe ô tô có thể sẽ khiến bạn lâm vào tình cảnh “xe máy xăng, chẳng may bơm nhầm dầu” và ngược lại. Điều này một phần do thói quen của người sử dụng ô tô khi chuyển từ xe động cơ xăng sang động cơ dầu… một phần do sự bất cẩn của nhân viên mới ở trạm xăng.

 

Đổ nhầm nhiên liệu cho ô tô

Sự khác biệt giữa động cơ xăng và động cơ dầu.

Đầu tiên bạn cần hiểu 2 loại động cơ hoạt động như thế nào. Động cơ xăng dùng bugi đánh lửa để đốt cháy hơi xăng (hỗn hợp xăng và không khí), vì thế máy xăng không được thiết kế để quá trình cháy tự xảy ra mà nó cần mồi lửa để kích. Xăng sử dụng chỉ số Octan để đo hiệu quả năng lượng. Ngược lại với máy dầu, béc phun cao áp nén hỗn hợp nhiên liệu dưới áp suất cao và đến một nhiệt độ nhất định, dầu sẽ tự nổ và đẩy Piston trong xi lanh. Nó không cần mồi lửa và có thể tự kích nổ. Máy dầu sử dụng chỉ số cetan để tính toán hiệu quả nhiên liệu.

Động cơ xăng phải dùng bugi để đánh lửa
Động cơ dầu dựa vào áp suất cao và nhiệt độ nhất định sẽ tự nổ

Qua đó, bạn cần phải nắm rõ trong động cơ xăng, nhiên liệu “cháy” có kiểm soát và đối với động cơ dầu là sự “nổ” có kiểm soát. Nếu đổ nhầm nhiên liệu, mức độ thiệt hại sẽ khác nhau, trường hợp nặng có thể bạn sẽ phải thay cả động cơ.

Dấu hiệu nhận biết khi ô tô bị bơm nhầm nhiên liệu

Việc đổ nhầm nhiện liệu cho ô tô hiện nay thật sự rất khó nhận biết bởi phần lớn các xe hiện nay đều không được thiết kế hệ thống cảnh báo hoặc đèn cảnh báo đổ nhầm nhiên liệu. Khi đổ nhầm nhiên liệu, lnếu bạn không phát hiện tức thời mà vẫn tiếp tục cho xe hoạt động, lúc này, người lái sẽ cảm nhận được động cơ bị rung lắc cũng như xuất hiện các tiếng kêu bất thường.

Đổ nhầm xăng với dầu, xử lý thế nào?

Đổ nhầm xăng vào dầu.

Nếu bạn không phát hiện ra việc đổ nhầm nhiên liệu, xe sẽ chạy với lượng dầu còn lại đến khi xăng lọt vào động cơ, không có bugi kích nổ xe sẽ tắt máy. Tuy nhiên, khi xăng được pha khoảng 20% so với thể tích dầu còn lại, tỉ lệ “hoàn hảo” này sẽ giúp hỗn hợp xăng và dầu “bùng cháy” trong xi lanh chứ không còn “nổ có kiểm soát”, dẫn đến tình trạng cháy xi lanh và vỡ động cơ. Cách an toàn nhất là hãy kéo xe về gara để xả sạch xăng và bơm dầu vào lại nhiều lần để súc rửa bình nhiên liệu.

Xe sẽ chết máy hoặc có thể cháy xi-lanh nếu đổ nhầm xăng vào dầu

Do độ nhớt của dầu cao hơn nên khi xăng đi qua bơm cao áp vào béc phun, nó sẽ nhanh chóng làm mòn 2 bộ phận này, trường hợp nặng có thể bạn sẽ phải thay mới chúng.

Đổ nhầm dầu vào xăng

Trường hợp này hiếm gặp hơn và nó cũng mang đến hậu quả nghiêm trọng hơn. Khi vào lòng xi lanh, mặc dù dầu khó cháy nhưng nó có pha với xăng ở nhiệt độ, áp suất cao và thêm sự đánh lửa của bugi, hỗn hợp dầu sẽ không còn “cháy” có kiểm soát mà nó sẽ chuyển qua trạng thái “nổ không kiểm soát”. Động cơ hoạt động với giới hạn lớn hơn bình thường, khi đi tốc độ cao sẽ dẫn tới quá nhiệt, bên cạnh đó, dầu nổ sẽ tạo rất nhiều mụi khói bám vào thành xilanh gây bó máy, xe gãy tay biên dẫn đến đâm thủng thành máy

Thiệt hại sẽ nặng nề hơn khi đổ nhầm dầu vào xăng

Nếu bạn phát hiện nhân viên chỉ vừa mới đổ một lượng dầu khoảng dưới 15% dung tích của bình xăng thì vẫn còn cơ hội khắc phục được. Bạn hãy đổ tiếp đầy bình với xăng có chỉ số octan cao nhất. Việc này sẽ giúp hòa tan lượng dầu trong bình và lúc này xe bạn đang hoạt động giống như lúc đổ phải xăng bẩn. Nếu xe không có hiện tượng gì lạ xảy ra thì sau khi di chuyển khoảng 70 - 100km bạn hãy đổ tiếp cho đầy bình để lượng dầu ngày càng loãng ra.

Trong cả 2 trường hợp trên, sau khi súc rửa động cơ bạn nên thay luôn lọc xăng và lọc dầu để loại bỏ hoàn toàn nguy cơ gây hại cho động cơ.

Trong mọi trường hợp, việc đổ nhầm loại nhiên liệu có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng như làm hỏng động cơ, tuy nhiên cũng rất dễ khắc phục nếu phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Quy trình xử lý tốt nhất vẫn là tuyệt đối không khởi động động cơ, sau đó đưa tới gara để hút hết nhiên liệu bị trộn lẫn trong bình, súc rửa toàn bộ hệ thống dẫn nạp nhiên liệu và động cơ, sau đó đổ nhiên liệu đúng loại vào để khởi động và kiểm tra động cơ trước khi vận hành xe trở lại.

>>> Kinh nghiệm đổi bằng lái xe sang thẻ PET

Theo Otos