Loading: Cuốn sổ tay của phượt thủ Trần Lập

Cuốn sổ tay của phượt thủ Trần Lập

Từng nhiều lần trèo đèo lội suối nơi núi rừng Tây Bắc và cũng là dân chơi mô-tô giàu kinh nghiệm, Trần Lập đã có những chia sẻ đầy tâm huyết cho giới phượt thủ.

Từng nhiều lần trèo đèo lội suối nơi núi rừng Tây Bắc và cũng là dân chơi mô-tô giàu kinh nghiệm, Trần Lập đã có những chia sẻ đầy tâm huyết cho giới phượt thủ.

phuot-thu-tran-lap-1

Phượt thủ Trần Lập trong những chuyến đi Tây Bắc. (Ảnh: FBNV)

Lướt qua Facebook Trần Lập, người ta vẫn còn thấy đó những bài chia sẻ đầy tâm huyết về kinh nghiệm đi phượt Tây Bắc bằng mô-tô vô cùng hữu ích. Thủ lĩnh Bức Tường đã đi đoạn đường cuối cùng về quê nhà với đội Triumph và nhiều biker khác, bên cạnh chiếc Royal Enfield Bullet 500 nhiều kỷ niệm, nhưng bài học anh để lại luôn là cuốn sổ tay quý giá cho mọi phượt thủ trên những nẻo đường khám phá Tây Bắc.

Chọn xe để đi phượt Tây Bắc
Theo phượt thủ Trần Lập, du lịch Tây Bắc tốt nhất là dùng tracker dung tích từ 250 đến 400 với cặp vỏ lốp dạng enduro. Nếu không có một chiếc xe khủng cũng không sao vì người địa phương thường di chuyển trên chiếc wave, win cũ hoặc minsk.
Xe càng nặng càng khó khăn lúc trời đổ mưa, đường sình lầy dễ trượt xoay ngang rất nguy hiểm. Trường hợp bánh lún sâu cũng rất phổ biến, xe nặng công suất lớn nếu cố tăng ga để thoát ra thì bánh xe càng xoay tít, ngập sâu xuống.

phuot-thu-tran-lap-3

Chọn xe phù hợp là điều rất quan trọng cho các chuyến phượt xa. (Ảnh: FBNV).

Phượt thủ có điều kiện, nên trang bị công nghệ hỗ trợ địa hình giúp phương tiện đi bền bỉ hơn. Hãy rửa xe ngay khi có thể vì bùn bám lâu vào vỏ máy nóng hoặc luồn sâu vào chi tiết sẽ dẫn tới bất trắc khó lường, vệ sinh cả nhông xích để tránh ma sát lớn.
Dùng xe phân khối lớn, Trần Lập khuyên các phượt thủ cẩn trọng trong việc chọn xe. Bởi nếu xe trên 650 phân khối chỉ dành cho những tay lái chơi tương đối. Nếu đường đèo dốc và cua gắt liên tục, lái xe non dễ gặp nguy hiểm. “Đôi khi những con dũng mãnh có thể trở thành ác quỷ nếu kỵ sĩ chủ quan.”

phuot-thu-tran-lap-2

Nếu có độ xe, phải đảm bảo các yếu tố kỹ thuật khác đáp ứng được với công suất mã lực. Vì lỡ xe “đỏng đảnh giận dỗi” giữa núi rừng sẽ rất khổ, trong khi điều kiện sửa chữa ở đây là vô cùng khó khăn.

Đèn xe
Hỏng điện xe giữa núi rừng quả là cảnh khốn khổ. Theo Trần Lập, nếu không phải là người dẫn đoàn thì bạn đừng tự đấu thêm đèn lớn. Những “anh hùng xe độ” thường nếm mùi cay đắng do hỏng chập điện vì độ quá đà so với thiết kế của nhà sản xuất. Chưa kể trời mưa ẩm, chạy lâu, điện quá tải ẩm chập là dễ xảy ra.
Đừng tiết kiệm điện rồi tắt đèn giữa ban ngày vì điều đó không phạm luật cũng chẳng tốn quá nhiều xăng, trong khi bật đèn ban ngày sẽ giúp người dẫn đoàn dễ dàng quan sát hết các thành viên để chủ động cầm nhịp tốc độ.

phuot-thu-tran-lap-4

Trần Lập cũng nhắc nhở phượt thủ “trâu đi dọc, bò đi ngang”. Nếu gặp trâu giữa đường, cách tốt nhất là đi qua nó lặng lẽ cắt sau đuôi chứ đừng chèn đầu, tuyệt đối không nẹt pô lớn (vì trâu không có “số lùi”).
Đối với trường hợp đi đêm hay bị xe phía ngược làm chói mắt, Trần Lập khuyên trước hết phải kiểm tra xe mình đang mở đèn pha hay cốt. Nếu dùng pha thì nghĩa là họ dùng pha để đối lại. Chủ động nháy đèn và hạ cốt từ xa để báo cho xe đi ngược chiều cũng làm điều tương tự.
Trong trường hợp hạ cốt xin qua mà họ vẫn mở pha, lái xe cần chủ động giảm tốc, hơi cúi cằm xuống một chút cho đỡ chói, né đừng nhìn thẳng tầm quét của đèn. Mắt đánh nhìn vạch trắng bo lề phải đường đi hoặc hàng cột trắng sơn chóp đỏ, đi chậm sát lề tay phải.

Phanh và đi đôi
Khi xuống đèo, đừng lạm dụng phanh. Chú ý luyện tập kỹ năng hãm xe bằng số. Sử dụng hộp số với tốc độ hợp lý và rà nhẹ phanh sau chỉ là biện pháp cuối cùng khi đà xe vẫn còn lớn lúc ôm cua.

phuot-thu-tran-lap-6

Theo kinh nghiệm của Trần Lập, chở đôi thì lãng mạn hơn, nhưng mỗi xe một người là cơ động và an toàn nhất. Nếu kèm theo “mỹ nhân” hoặc “tặc lưỡi chở theo 1 thằng bạn”, yêu cầu người ngồi sau ôm mình, nếu không khả năng tai nạn là rất cao.
Khi lên dốc cao, xe nặng hay nhẹ đều có trọng lực như muốn kéo về sau. Người ngồi sau nếu không ôm và dồn trọng tâm lên trước cùng lái mà ngồi tụt ra sau thì xe càng bị ì và khó nhọc. Xe khỏe thì vẫn lên tốt nhưng tốn công suất tải cao vòng tua xe tớn lên. Nếu kỹ năng lái chưa tốt gặp xe tải xuống bất ngờ đôi khi sẽ hụt hơi chết máy. Chết máy khi lên dốc vô cùng nguy hiểm.
Khi xuống dốc, bạn ngồi sau có thể nới rộng ra. Xe có xu hướng lao xuống cho nên dàn trọng tâm ra sau là một cách hỗ trợ người lái. Thế nhưng, đường dài đèo Tây Bắc, lên xuống cần ôm cua phải trái liên tục. Bạn gái nào bất hợp tác sẽ khiến người lái khó khăn và có thể đưa cả hai tới nguy hiểm khó lường.
Đồ mang theo khi phượt
Trần Lập truyền kinh nghiệm cho các phượt thủ chú ý với những món đồ mang theo, tránh gây phiền phức và vô tình làm hại bản thân.

phuot-thu-tran-lap-7

- Túi chéo: tránh mang các loại quai đeo chéo vì khi chạy dễ kéo người, áo xô lệch sang bên.
- Balo: tốt nhất chỉnh hai quai balo cân đối. Balo cao cấp có thêm quai phụ thắt ngang bụng và ngực đảm bảo ôm chặt thân nhưng nếu để nhiều đồ thì vài tiếng sau sẽ không ổn chút nào.
- Đồng hồ: loại dây kim loại khi đi đường xóc sẽ va đập liên tục vào tay khá khó chịu.
- Vật nhọn, cứng: đôi khi chỉ chiếc bút máy cũng có thể gây thêm tai nạn khi bạn ngã, vì thế tránh để vật cứng, dài, ngọn trong quần.
-Kính râm, kính cận: đừng tiếc tiền mua kính xịn vì giúp chống chói trong nhiều giờ. Kính rởm có thể khiến mắt nhanh mỏi, bất tiện khi đi đường xa.
-Quần áo: ưu tiên dùng đồ phản quang, dễ nhận biết khi đi trên đường, có thể dùng màu xanh nõn chuối và màu cam gắt vì nếu lạc có thể quan sát nhanh. Áo gió dùng loại mỏng, nhẹ, tránh dùng áo gió rộng khi lái mô-tô.
-Mũ bảo hiểm: chọn mũ tốt để đảm bảo tính mạng bản thân. Mũ đểu dễ lật ngửa khi đi ngược chiều, gáy đau mỏi, chưa kể lúc ngã sẽ vỡ tan tành.
- Nhớ mang theo các đồ dùng cần thiết dùng vào việc sửa chữa xe.

Theo Vntinnhanh