Loading: CSGT xử phạt xe thế chấp: Máy móc, cực đoan, gây khó cho dân

CSGT xử phạt xe thế chấp: Máy móc, cực đoan, gây khó cho dân

CSGT kiên quyết đòi xử phạt người thế chấp giấy tờ xe tại ngân hàng khi tham gia giao thông là cách làm máy móc, cực đoan...

Về việc CSGT xử lý phương tiện tham gia giao thông nhưng không mang theo bản chính giấy đăng ký phương tiện hiện đang gây nhiều tranh cãi, cả từ phía các cơ quan quản lý nhà nước lẫn cả từ phía dư luận. Bên nào cũng nêu lý do đúng của mình. CSGT dẫn cả luật và khẳng định việc xử phạt là đúng, còn NHNN thì than thở như vậy là làm khó cho người đi vay và gây ảnh hưởng tới các hoạt động cho vay của ngân hàng. Cá nhân tôi cũng đã có một số ý kiến đăng tải trên báo chí.

CSGT đòi xử phạt xe thế chấp là máy móc, cực đoan.
CSGT đòi xử phạt xe thế chấp là máy móc, cực đoan. Ảnh minh họa

Trở lại bản chất của vụ việc, tôi xin chỉ rõ hai vấn đề như sau:

Thứ nhất, về giấy đăng ký xe.

Việc cấp giấy chứng nhận đăng ký cho một tài sản của công dân, cụ thể trong trường hợp này cấp giấy chứng nhận đăng ký cho phương tiện giao thông là xe máy hoặc ô tô của công dân. Thì, giấy chứng nhận trong trường hợp này phải được hiểu rằng, đó là cách nhà nước xác nhận quyền sở hữu của một cá nhân đối với tài sản của họ là phương tiện ô tô hoặc xe máy đó.

Trong trường hợp người sử dụng phương tiện giao thông để lưu thông trên đường nhưng không xảy ra tranh chấp, thì không thể bắt họ phải trưng giấy đăng ký xe bản gốc ra được. Như tôi đã nói ở trên, đây là hai việc hoàn toàn khác nhau. Giấy đăng ký xe là để nhà nước xác lập quyền sở hữu của một công dân đối với phương tiện của họ và họ chỉ phải xuất trình giấy đăng ký trong trường hợp xảy ra tranh chấp để chứng minh quyền sở hữu tài sản của mình mà thôi.

Tất nhiên, người sử dụng phương tiện giao thông khi lưu thông trên đường về nguyên tắc cũng cần tuân thủ các quy định của pháp luật cũng như phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện về bằng lái, các điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện giao thông cũng như phải đảm bảo đủ sức khỏe để điều khiển được phương tiện giao thông tại thời điểm đang sử dụng.

Nhiệm vụ của CSGT là điều khiển giao thông, phân luồng, phân tuyến, phòng ngừa và giải quyết ùn tắc giao thông. Ngoài ra, CSGT cũng có quyền phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ...

Tại thời điểm kiểm tra người dân khi tham gia giao thông ngoài đường, CSGT chỉ cần kiểm tra xem chiếc xe đó có bảo đảm các điều kiện về an toàn kỹ thuật lưu hành xe như: còi, đèn, phanh hay có đủ giấy phép lái xe, có đảm bảo sức khỏe để điều khiển phương tiện đó hay không thôi.

Tôi rất băn khoăn không hiểu việc CSGT hỏi giấy đăng ký xe để làm gì? Liệu có phải khi tìm không thấy lỗi thì lấy lỗi không có đăng ký xe để xử phạt người tham gia giao thông hay không? Vì việc kiểm tra giấy đăng ký xe để xem họ có phải là chủ sở hữu của chiếc xe đó hay không không liên quan tới hoạt động giữ gìn trật tự giao thông, không đúng với chức năng của CSGT. Việc này thuộc về lĩnh vực quản lý quyền sở hữu.

Từ nhiều năm trước, khi thực hiện thẩm định các quy định về điều khiển phương tiện giao thông trên đường tôi luôn khẳng định quan điểm CSGT không có quyền đòi hỏi giấy đăng ký phương tiện của người dân. Quy định như vậy chỉ tiện cho CSGT nhưng lại làm khó cho người dân. Rất tiếc, ý kiến của tôi khi đó đã không được quan tâm đúng mức.

Thứ hai, liên quan đến giấy tờ thế chấp tại ngân hàng, tôi cho rằng khi ngân hàng cho người dân vay tiền để mua ô tô, thì tài sản thế chấp đó là chiếc ô tô, tài sản này phải đi kèm với giấy tờ về sở hữu tài sản, tức là giấy đăng ký xe.

Lúc này, giấy đăng ký xe là điều kiện bảo đảm cho ngân hàng có thể thu hồi được nợ cho vay, khi người mua xe trả hết nợ ngân hàng sẽ trả giấy tờ xe.

Việc CSGT kiên quyết đòi xử phạt người thế chấp giấy tờ xe tại ngân hàng khi tham gia giao thông là cách làm máy móc, cực đoan, gây khó cho người dân. Thậm chí, còn gây ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế - xã hội khác.

Vì vậy, trong thời gian tới cần phải xem xét lại quy định trên trong các văn bản quy phạm pháp luật để có sửa đổi, đặc biệt là quy định phải mang theo giấy đăng ký xe khi tham gia giao thông trên đường. Tốt nhất nên xóa bỏ cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Về trước mắt, các bộ ngành liên quan cũng cần nghiên cứu chấp nhận giải pháp mềm tức là để người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có thể sử dụng giấy đăng ký bản sao để xuất trình khi CSGT yêu cầu.

>>> Vẫn xử lý vi phạm đối với chủ xe không có giấy đăng ký xe bản chính

TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục KTVB, Bộ Tư pháp - Theo Baodatviet