Loading: Chủ trạm thu phí Cai Lậy: "Để kéo dài, chúng tôi chết!"

Chủ trạm thu phí Cai Lậy: "Để kéo dài, chúng tôi chết!"

Đại diện Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang (chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy) cho biết: "Từ vị trí đặt trạm đến giá tiền, chúng tôi không quyết định mà do UBND tỉnh Tiền Giang đề xuất".

Phóng viên: Dự kiến ngày nào trạm BOT Cai Lậy sẽ thu phí trở lại, thưa ông?

Chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy: Mới đây, trong cuộc làm việc với Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang đã thống nhất ngày 21-8 sẽ thu phí theo giá mới. Tuy nhiên, đây chỉ là dự kiến của các bên, quyết định cuối cùng là Bộ trưởng Bộ GTVT.

Trạm BOT Cai Lậy vẫn chưa thu phí trong ngày 17-8.
Trạm BOT Cai Lậy vẫn chưa thu phí trong ngày 17-8 Ảnh: LÊ PHONG

 Hiện tại, nhiều tài xế vẫn không đồng ý giảm giá cước mà yêu cầu dời trạm thu phí vào bên trong đường tránh 12 km. Công ty có nghĩ đến phương án di dời?

Nếu làm như vậy, chúng tôi sẽ gặp khó khăn lớn về vấn đề tài chính. Khi giải pháp này thực hiện, chúng tôi sẽ xem xét việc trả lại dự án cho nhà nước hoặc đề nghị bồi thường theo điều khoản hợp đồng quy định.

Kinh phí đầu tư dự án chúng tôi phải vay rất nhiều từ bên ngân hàng. Để vay được phải trình hồ sơ bao gồm tổng mức đầu tư và quy mô, vị trí đặt trạm… Nếu mà thay đổi, có nghĩa là phá vỡ phương án tài chính.

Hiện mỗi ngày, chúng tôi phải trả vốn và lãi là 1 tỉ đồng, tổng cộng tiền lãi không trong vòng 1 tháng tới 10 tỉ đồng. Càng để tình trạng này kéo dài chắc chắn sẽ chết! Điều chúng tôi còn lo lắng nữa là sắp tới, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ được xây dựng, dự kiến giai đoạn 2020-2025 hoạt động. Như vậy sẽ không còn nhiều phương tiện lưu thông qua Cai Lậy nên hoàn vốn rất khó khăn.

Nhưng nếu không rời đi, kịch bản cũ sẽ lặp lại, trạm thu phí sẽ bị tài xế mang tiền lẻ đến phản đối?

Có 2 giải pháp mà tôi nghĩ sẽ giải quyết được. Một là, các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc giải thích, vận động người dân hiểu rõ. Hai là, nếu dời trạm thu phí đi thì ngân hàng phải đồng ý gia hạn trả nợ.

Thật ra, từ vị trí đặt trạm đến giá tiền, chúng tôi không quyết định mà do UBND tỉnh Tiền Giang đề xuất. Giá tiền này được ban hành dựa trên trạm thu phí ở Sóc Trăng.

Ông có thể nói rõ hơn về việc 2 cây cầu ở đường tránh 12 km bị "biến mất"?

Ban đầu, trong quyết định phê duyệt thì có 7 cây cầu nhưng sau thi công điều chỉnh lại 5 cây cầu. Thứ nhất, kênh Ông Thiệm gần đó có một con đường song song đặt cống hộp nên không thông thủy. Thứ hai, kênh Chín Chương vắt chéo qua đường góc 45 độ, nếu làm cầu cực kỳ khó, tốn nhiều kinh phí. Từ thực tiễn, Bộ GTVT, UBND tỉnh, Sở GTVT tỉnh đã thống nhất điều chỉnh dự án và có giảm chi phí đầu tư.

Trước việc dư luận nghi ngờ 12 km tuyến đường tránh Cai Lậy và 26 km tăng cường mặt QL 1 chưa được nghiệm thu đã đưa vào thu phí, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, khẳng định tỉnh không tham gia nghiệm thu mà chỉ tham gia việc giải phóng mặt bằng.

"Tất cả do Bộ GTVT làm hết. Tỉnh cũng không quản lý mà sau khi thu phí xong thì bàn giao cho Tổng cục Đường bộ vì đó là QL 1" - ông Bon cho biết.

>>> Trả về đúng chỗ những trạm thu phí BOT 'đặt nhầm'

AutoExpress.vn - Theo NLĐ