Loading: Bia, rượu - nỗi ám ảnh 'khó cưỡng' của tài xế Việt ngày Tết

Bia, rượu - nỗi ám ảnh 'khó cưỡng' của tài xế Việt ngày Tết

Chiếc xe các bạn đang lái “chở” cả tương lai, hạnh phúc của gia đình và những người xung quanh. Vì vậy, hãy cân nhắc thật kỹ khi cầm trên tay ly rượu, cốc bia.

Tết Nguyên đán cận kề, cùng niềm vui đoàn tụ, gặp gỡ gia đình, bè bạn sau một năm bận rộn với công việc, cánh lái xe còn có một nỗi lo thấp thỏm, đó là sợ bị phạt khi đang lái xe mà trong người có hơi men. Đặc biệt, với những người có kế hoạch về quê ăn tết hoặc thăm gia đình thì nỗi lo càng tăng lên, đôi khi trở thành nỗi ám ảnh năm này qua năm khác.

Tết là dịp gặp gỡ, giao lưu, mà ở Việt Nam như thành thông lệ, đã giao lưu là phải có bia, có rượu, mấy ai tránh được việc làm vài ly, nếu có ý từ chối thì có khi lại bị khép vào cái tội “thiếu nhiệt tình”. Tuy vậy, dù vui đến mấy, dù “nể” đến mấy, các bạn cũng cần phải nhớ, uống rượu khi lái xe vừa không bảo đảm an toàn lại vi phạm pháp luật.

uống rượu khi lái xe vừa không bảo đảm an toàn lại vi phạm pháp luật.

Trong năm 2016, Chính phủ ban hành nghị định 46/2016/NĐ-CP. Những điểm đáng chú ý trong nội dung của nghị định này là việc tăng nặng hình phạt đối với việc lái xe trong tình trạng đã uống rượu bia. Theo đó, với việc điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở sẽ có mức phạt từ 16 - 18 triệu đồng (mức phạt cũ là 10 - 15 triệu đồng). Ngoài ra hành vi này sẽ bị tước giấy phép lái xe từ 4 - 6 tháng.

Còn nhớ, ngay ngày đầu tiên ra quân xử phạt lỗi nồng độ cồn CSGT Hà Nội đã xử phạt một tài xế mức 17 triệu đồng, tạm giữ ôtô 7 ngày, tước bằng 5 tháng. Có người lái xe chỉ uống ly bia cũng bị xử phạt tới 2,5 triệu đồng, bị giữ xe 7 ngày.

Uống rượu, bia là sở thích, là việc riêng của mỗi người, khi pháp luật không cấm thì người ta có quyền uống. Tuy vậy, uống rượu bia rồi lại điều khiển phương tiện giao thông thì không còn là việc riêng nữa.

Bản thân tôi có thâm niên lái xe gần 20 năm, đã 10 năm nay tôi luôn lái xe đưa gia đình về quê mỗi dịp xuân về. Tuy vậy, bao nhiêu năm lái xe cũng là ngần ấy năm tôi có một nguyên tắc bất di bất dịch là: “Đã uống rượu, bia thì không lái xe, đã lái xe thì không uống rượu bia”.

Đã uống rượu bia thì không lái xe
Đã uống rượu bia thì không lái xe. Ảnh minh họa

Phải nói nguyên tắc này thời gian đầu cũng khó ăn khó nói với gia đình bên vợ. Tôi đã phải vừa mềm mỏng, vừa kiên quyết tâm sự với mọi người rằng, thứ nhất tôi không biết uống rượu nên chỉ có thể nhấp môi một chút cho phải phép. Thứ hai, tôi muốn được tỉnh táo hoàn toàn trong những ngày ở quê để có thê đi thăm gia đình, họ hàng và những danh lam thắng cảnh ở địa phương.

Với sự thẳng thắn, chân tình của mình, tôi đã thuyết phục được mọi người bên gia đình vợ cho tôi được tuỳ ý uống theo khả năng hoặc không uống để bảo đảm an toàn giao thông trong dịp Tết ở quê vợ.

Vui tết có thể khó từ chối ly rượu mời nhưng các bạn xin hãy nhớ rằng, đằng sau tay lái của các bạn là sự an toàn của bản thân bạn, của gia đình và những người tham gia giao thông.

Chiếc xe các bạn đang lái “chở” cả tương lai, hạnh phúc của gia đình và những người xung quanh. Vì vậy, hãy cân nhắc thật kỹ khi cầm trên tay ly rượu và luôn tâm niệm rằng:

“Cho dù đi tới nơi đâu
Lên xe ghi nhớ trong đầu … không say
Rượu bia, xây xẩm mặt mày
Uống thôi không lái, đã say … chỉ nằm!”

>>> Mách bạn những cách giải rượu dịp Tết

AutoExpress.vn - Theo Vnexpress